Ngày 6/3, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (INEST), Đai học Bách khóa Hà Nội tổ chức Hội thảo về thiết lập hệ thống cán bộ kiểm soát ô nhiễm tại Việt Nam nhằm nâng cao vai trò, năng lực của cán bộ kiểm soát ô nhiễm môi trường tại Việt Nam cũng như định hướng phát triển nhân lực thông qua tài liệu hướng dẫn và hệ thống quy định về bảo vệ môi trường.
Khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức cho biết những năm gần đây Việt Nam đã đạt được những thành quả kinh tế to lớn nhưng chúng ta cũng đang phải đối diện với những vấn đề môi trường nghiêm trọng, đây không chỉ là mối quan tâm của riêng một quốc gia nào mà hiện nay đó đã là mối quan tâm toàn cầu.
Trong thời gian qua, các chuyên gia Nhật Bản đã hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong công tác phát triển nguồn nhân lực, tăng cường kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn cấp Trung ương và địa phương Việt Nam về môi trường nói chung và kiểm soát ô nhiễm nói riêng thông qua khóa đào tạo tập huấn về cán bộ kiểm soát ô nhiễm tại Nhật Bản.
“Hợp tác bảo vệ môi trường với các đối tác phát triển, cụ thể hợp tác với Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam có thể tiếp cận được những kinh nghiệm và thế mạnh trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý môi trường”, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức nhấn mạnh.
Hiện nay, tại Ban quản lý Khu công nghiệp (KCN), công tác bảo vệ môi trường được giao cho phòng quản lý môi trường hoặc lông ghép chức quản lý môi trường trong phòng quy hoạch xây dựng, số lượng cán bộ môi trường từ 2 đến 5 người và thực hiện các công tác quản lý bảo vệ môi trường như hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc hoạt động động bảo vệ môi trường tại các KCN trên địa bàn.
Tại các KCN, đa số các KCN chưa bố trí phòng môi trường riêng mà mới chỉ bố trí cán bộ môi trường trực thuộc phòng kỹ thuật, vận hành. Trung bình mỗi KCN có từ 1 đến 2 cán bộ môi trường, có KCN bố trí cán bộ kỹ thuật kiêm nhiệm môi trường, hoặc cả chức năng vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung.Tại doanh nghiệp thường chỉ bố trí 01 cán bộ môi trường trực thuộc phòng kỹ thuật, có doanh nghiệp chỉ bố trí cán bộ kỹ thuật kiêm nghiệm môi trường.
Tiếp đó, các diễn giả đã trình bày các báo cáo tham luận về công tác bảo vệ môi trường tại doanh nghiệp và lộ trình áp dụng quản lý kiểm soát ô nhiễm ở Việt Nam, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường khu công nghiệp, công nghiệp kiểm soát sự phát thải các chất ô nhiễm nước, kiểm soát ô nhiễm đối với nước thải trong các khu công nghiệp trên đại bàn tỉnh Hưng Yên…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá cao công tác xây dựng sổ tay hướng dẫn cho cán bộ kiểm ô nhiễm tại Việt Nam, Tổng cục Môi trường đã đưa ra lộ trình cụ thể cho việc áp dụng hệ thống cán bộ kiểm soát ô nhiễm tại các nhà máy, doanh nghiệp. Việc áp dụng hệ thống cán bộ kiểm soát ô nhiễm là công tác thiết thực và hữu ích mang lại nhiều lợi ích trong công tác bảo vệ môi trường, tuy nhiên các đại biểu cho rằng Tổng cục Môi trường cần chú ý hoàn thiện sổ tay hướng dẫn và phổ biến tới các doanh nghiệp, sổ tay cần thiết kế đơn giản và hiệu quả, thực tế mang tính thực hành cao, xây dựng ứng dụngsổ tay trên di động…
Thay mặt Ban soạn thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Trung Dũng cảm ơn ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến và chỉnh sửa sổ tay, các tài liệu liên quan theo ý kiến góp ý của các đại biểu./.